Công dụng của cây mã đề

Mã đề là cây thuốc được Đông y đánh giá cao vì có công dụng chữa bệnh tốt, đặc biệt là tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu.

Công dụng của cây mã đề

Cây mã đề có tên khoa học là Plantago major hay còn có tên gọi khác là mã đề thảo, xa tiền. Cây mã đề mọc hoang khắp nơi tại nước ta, ngày nay để đảm bảo nhu cầu sử dụng làm thuốc nhân dân ta trồng cây mã đề bằng hạt. Trong nhiều năm qua, cây mã đề được sử dụng như một trong những cây thuốc tự nhiên có tác dụng chữa nhiều loại bệnh.

Không chỉ xuất hiện ở Việt Nam hay các nước Châu Á, cây mã đề còn được sử dụng phổ biến ở Châu Âu và những vùng đất đá khô cằn tại Châu Mỹ.

Trong cuốn sách Đông y nổi tiếng Trung Quốc “Bản thảo hối ngôn” có ghi chép rằng, cây mã đề là một vị thuốc dùng đến đâu, lợi đến đó. Có thể giảm các chứng ứ nước, phù nề, lưu thông khí huyết, tốt cho xương khớp, hỗ trợ vận động linh hoạt, có tác động đẩy nhanh quá trình chữa lành các bệnh.

Theo GS Đỗ Tất Lợi trong cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, có viết cây mã đề có những tác dụng dược lý sau đây:

Tác dụng lợi tiểu:
Uống nước sắc mã đề lượng nước tiểu tăng, trong nước, tiểu lượng urê, acid uric và muối đều tăng.

Tác dụng chữa ho:
Mã đề có tác dụng trừ đờm, tác dụng này kéo dài 6 – 7h, mạnh nhất sau khi uống 3 – 6h.

Tác dụng kháng sinh:
Nước sắc mã đề (toàn cây 1ml – 1g mã đề) có tác dụng ức chế đối với 1 số vi trùng ngoài da. Mã đề tán bột chế thành thuốc dầu đắp lên mụn nhọt đỡ mưng mủ, đỡ bị viêm tấy.

Ngoài ra, trên nghiên cứu lâm sàng, mã đề còn được dùng chữa cao huyết áp có kết quả. Ngày hái 20 – 30g cây mã đề tươi non, thêm nước vào sắc kỹ chia 3 lần uống trong ngày.

Viêm đường ruột cấp tính
Khi bị bệnh viêm đường ruột cấp tính nhẹ, đơn giản, mới chớm thì có thể áp dụng cách điều trị hỗ trợ Đông y.

Bác sĩ Lưu Duy Trung, chuyên gia dưỡng sinh Đông y Trung Quốc, Phó hội trưởng hội Trung y học Trung Hoa và Bác sĩ Vương Thế Bưu, Chủ tịch hội chuyên gia Bệnh viện nhân dân số 2 Cam Túc, Trung Quốc giới thiệu bài thuốc hỗ trợ điều trị cây mã đề.

Cây mã đề tươi: 500g, rửa sạch cắt ngắn, giã hoặc xay ép thành nước cốt còn khoảng 150ml. Chia thành 4 lần uống. Trung bình chỉ cần uống từ 1-3 ngày là khỏi bệnh.

Chữa các bệnh liên quan đến đường hô hấp
Vì rất giàu khoáng chất silica, mã đề là một chất làm tiêu đờm tuyệt vời. Điều này có nghĩa rằng nó giúp làm sạch sự tắc nghẽn và chất nhầy, điều trị ho hiệu quả, cảm lạnh và nhiều bệnh đường hô hấp khác.

“Cây mã đề đóng vai trò như một chất làm long đờm, làm dịu viêm mũi, đau, giảm ho và viêm phế quản nhẹ”, David Hoffmann, người sáng lập Hiệp hội Thảo dược Mỹ cho biết.

Chữa vết thương
Một trong những công dụng nổi bật nhất của cây mã đề là làm se các vết thương và xoa dịu vết bọ cắn. Bởi nó có thể hút độc tố ra khỏi cơ thể một cách hiệu quả.

Theo lương y Âu Văn Định (Hội Đông y tỉnh Tuyên Quang) thì cây mã đề có tác dụng rất tốt trong việc hút độc ở các vết thương do rắn cắn, chó dại cắn.

Bạn chỉ cần nhai hoặc nghiền lá cây này và đắp trực tiếp lên vết ong đốt, bọ cắn, nốt mụn, vết thương do mảnh thủy tinh hoặc các mảnh vụn ghim sâu trong da hay các nốt phát ban…Hoặc cũng có thể đắp kín vết thương bằng lá mã đề và để nguyên trong 4-12 tiếng để cây thuốc rút các chất độc ra khỏi da, ngăn ngừa nhiễm trùng và để lại sẹo.

Điều trị bệnh trĩ
Với đặc tính làm se, cây mã đề cũng được sử dụng để xoa dịu và chữa lành bệnh trĩ vô cùng hiệu quả. Khi được điều chế thành kem hoặc thuốc mỡ, cây mã đề có thể ngăn ngừa việc chảy máu ở bệnh trĩ và viêm bàng quang.

Chữa tiểu tiện ra máu
Trong dân gian rau mã đề được xem như loại thuốc tốt chữa bệnh tiểu tiện ra máu hiệu quả. Chính vì vậy, nếu bạn đang mắc chứng bệnh này hãy áp dụng ngay với bài thuốc dân gian từ cây mã đề.

Dùng rau mã đề một nắm to rửa sạch giã nát vắt lấy nước cốt uống vào lúc đói bụng – có thể thêm cỏ mực hai thứ bằng nhau và làm như trên, uống lúc đói sẽ có hiệu quả sau vài ngày.

Ở Việt Nam lá cây mã đề non được dùng làm rau như các loại rau cải, dùng để ăn sống cùng các loại rau ghém, nhất là ăn chung với các loại rau rừng khác. Lá rau mã đề non cũng được dùng để xào, nấu các món canh rau mặn và chay. Canh mã đề nấu với tôm, thịt ăn rất ngon và có tác dụng giải nhiệt, tiểu tiện dễ dàng.

Nhiều nước ở Châu Á và vùng Đông Nam Á khác đều dùng lá cây mã đề non để làm rau. Ở Nhật Bản rau mã đề được dùng để ăn sống và nấu các món súp hải sản truyền thống. Ở Nam Mỹ và người bản địa ở Bắc Mỹ dùng lá mã đề non để ăn như món salad và lá già dùng để hầm, nấu với thịt.

CATEGORIES
TAGS
Share This